Tác dụng tuyệt vời của cây Atisô

Mô tả:

Actiso tên khoa học là Cynara scolymus thuộc họ Cúc. Cây thảo cao khoảng 1m, có lá mọc so le, chia làm nhiều thùy, mặt trên màu lục, mặt dưới màu trắng nhạt do có nhiều lông nhung. Cụm hoa mà người ta quen gọi là bông Actiso nằm ở đầu các nhánh của thân, có đường kính 6-15cm, phía ngoài có những lá bắc có đỉnh nhọn, tiếp đó là những hoa bao bởi những lông tơ nằm trên 1 đế hoa nạc. Màu sắc của cụm hoa khác nhau.

Cây Actiso có nguồn gốc từ Địa Trung Hải. Người Ai Cập đã biết trồng cây này từ lâu, nhưng chính nhờ người Ả rập đem vào Tây Ban Nha trước tiên rồi đến Ý (vào thế kỷ 15), từ đó lan sang Pháp và Anh (vào thế kỷ 16) mới biết dùng nó. Ở nước ta, Actiso được người Pháp đem vào trồng ở những vùng núi cao mát mẻ như Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo, tên của cây là từ tiếng Pháp, Artichant. HIện nay, Actiso được trồng rộng rãi ở Đà Lạt với khối lượng lớn. Một số nơi vùng Đồng bằng Bắc bộ và Trung bộ cũng có trồng.

Actiso được sử dụng dưới nhiều dạng, dùng tươi, dùng khô, nấu cao, chế dược phẩm, … ở Đà Lạt người ta bán bông Actiso tươi, bông chẻ nhỏ phơi khô, lá khô, thân, rễ phơi khô

Cây Actiso non có thể dùng luộc chín hay nấu canh ăn, bộ phận thường được sử dụng làm rau ăn là cụm hoa bao gồm đế mang hoa, các lông tơ và các lá bắc (có phần gốc mềm màu trắng) bao xung quanh.

Thành phần hóa học:

  • 3 – 3,15% protein
  • 0,1 – 0,3% lipid
  • 11 – 15,5% glucid (gồm chủ yếu là inulase, dùng tốt cho người bệnh tiểu đường)
  • 82% là nước

– Ngoài ra còn có mangan, photphor, sắt, 300UI vitamin A, 120g vitamin B1, 30g vitamin B2, 10g vitamin C.

– 100g Actiso cung cấp khoảng 50-75 calo.

Công dụng:

Bông Actiso khi nấu chín rất dễ tiêu hóa, tạo ra năng lượng, kích thích giúp ăn ngon miệng, bổ gan, bổ thận, bổ tim, lọc máu, chống độc, lợi tiểu (làm tăng sự bài tiết ure, cholesterol dư thừa và acid uric), giúp tiết sữa cho các bà mẹ nuôi con. Do đó mà bông Actiso được chỉ định dùng trong các trường hợp suy nhược, lao lực, trong sung huyết và thiểu năng gan, thiểu năng thận, giảm niệu, bệnh sỏi, trong thấp khớp, thống phong, tạng khớp, trogn trường hợp bị nhiễm độc và trong tường hợp bị nhiễm khuẩn đường ruột.

Nước sắc Actiso rất giàu muối khoáng, cây Actiso non nấu chín được dùng trong tiêu chảy, rễ cây có tác dụng lợi tiểu, được dùng trong trường hợp thấp khớp, thống phong, thủy nhũng và cả trường hợp vàng da. Lá Actiso là bộ phận quan trọng của cây được sử dụng làm thuốc dưới dạng bột, nấu cao, chiết hoạt chất. Có nhiều mặt hàng dược phẩm từ Actiso: cao Actiso, trà Actiso, Cynaraphytol viên, thuốc giọt Cynaraphytol, thuốc nước ống Actisamin, … có nhiều công dụng về mặt tuần hoàn máu, gan và thận.

Actiso được xem là cây thuốc rất quý đối với các rối loạn có nguồn gốc gan (vàng da, sỏi mật, nhiễm độc ruột, …), trong các rối loạn mà thảy nước tiểu khó khăn. Bông Actiso là loại rau vừa bổ, vừa ngon, chất đường trong đó dùng tốt cho người bị tiểu đường.

Chú ý phải rửa sạch trước khi sử dụng (do phun thuốc hoặc các nguyên nhân khác).

Một số cách dùng với Actiso

Trị viêm gan, mật, vàng da: Lá atisô tươi 50g, hoặc 10g lá khô, hãm hoặc sắc uống trong ngày.

Trị viêm gan vi rút: Lá atisô 10g, diệp hạ châu đắng, nhân trần, mỗi vị 12g, sắc uống ngày một thang.

Giải nhiệt cơ thể, giải độc gan: Lấy 2 cụm hoa Atiso lớn, 3,5 lít nước, 1 bó lá dứa, 60 gram đường phèn. Các nguyên liệu cần được làm sạch trước khi nấu. Cho cụm hoa Atiso (đã cắt bỏ phần cuống) vào nồi nước đang sôi, đun đến khi cụm hoa Atiso mềm nhừ. Cho lá dứa (được cuộn tròn hoặc buộc lại) và đường phèn vào nồi và tiếp tục đun thêm 10 phút. Cuối cùng, chắt bỏ phần bã, đợi nước nguội dần và đổ vào bình, đặt trong tủ lạnh và uống dần. Có thể sử dụng thay thế nước suối, sử dụng mỗi ngày để giải nhiệt cơ thể, đặc biệt vào các ngày nắng nóng.

Giải các độc tố trong gan, tăng cường chức năng gan: Cho 50g hoa Atiso, 100g gan lợn và gia vị vừa đủ. Nấu Atiso với gan lợn như những món canh khác và sử dụng mỗi ngày 1 – 2 lần, và sử dụng liên tục trong vòng 5 – 10 ngày để đem lại hiệu quả nhanh.

Giảm hàm lượng cholesterol trong máu: Sử dụng 40g thân cây Atiso, 40g rễ, 20g cụm hoa đem phơi khô và tán nhỏ. Pha 2g/ lần với nước sôi và sử dụng thay thế nước trà. Có thể chỉ sử dụng 50g cụm hoa phơi khô và tán nhỏ. Ngoài ra, có thể sử dụng hoa Atiso nấu với các nguyên liệu như giò heo hoặc lá lách lợn, bổ sung vào thực đơn hằng ngày, vừa đem lại một thực đơn ngon vừa có tác dụng điều trị bệnh.

Trị phù thũng và thấp khớp: lá atisô 10g, thổ phục linh, ngưu tất, kim tiền thảo, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang.

Chữa bệnh tiểu đường: Lấy 50g hoa Atiso, 100g khoai tây, 50g cà rốt, 150g xương sườn lợn và gia vị vừa đủ. Sau khi làm sạch và sắc nhỏ các nguyên liệu, hầm xương sườn lợn chín tới rồi bỏ các nguyên liệu còn lại vào, nêm nếm cho đủ dùng. Sử dụng mỗi ngày 1 lần và sử dụng liên tục từ 5 – 10 ngày.

Lưu ý

Không nên lạm dụng cây atiso, nếu sử dụng quá nhiều có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như: gây hại chức năng gan, trướng bụng, cơ thể mệt mỏi,…

Cây atiso có những lớp lông tơ nhỏ, nếu tiếp xúc quá nhiều có thể gây da kích ứng da, ngứa, nổi mẩn đỏ. Không được sử dụng cây atiso với các đối tượng dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành phần có trong cây.

Người bị tắc ống mật, bị sỏi mật không được sử dụng cây atiso. Các đối tượng đang sử dụng muối sắt cũng không nên dùng cây atiso, bởi atiso có thể ngăn chặn sự hấp thụ muối sắt ấy. Thường xuyên theo dõi hàm lượng cholesterol có trong máu.

Phụ nữ mang thai và cho con bú cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng./.