Những công dụng của cây, quả Bầu

Đặc điểm

Bầu còn được gọi là bầu canh, bầu nậm. Tên khoa học là Lagenaria siceraria, họ Bầu bí: Cucurbitaceea. Là loại dây leo có tua cuốn phân nhánh, phủ bởi nhiều lông mềm, lá hình tim rông không xẻ thùy hoặc xẻ thùy nông. Hoa đơn tính, to, màu trắng, quả tròn, dài, hình trụ có thể đến 1m, hoặc co thắt lại như bầu rượu, có lông, vò màu lục nhạt hay sẫm, hoặc có đốm trông như sao (bầu sao), khi già thì vỏ ngoài hóa gỗ (dùng để đựng rượu, nước …).

Cây bầu có gốc ở châu Mỹ, ngày nay được trồng rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Ở nước ta bầu được trồng khắp nơi làm rau ăn.

Công dụng

Thịt quả bầu ít đường, ít năng lượng nhưng lại chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất như A, B1, B2, B3, C, Can xi, Phot pho, Sắt … Do đó, quả bầu được xem là tốt đối với bệnh nhân tiểu đường, tim mạch và những người muốn giảm cân. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tác dụng chống o xy hóa, hạ đường huyết và chống tăng mỡ máu của chiết xuất từ quả bầu.

Theo Đông y, quả bầu có vị ngọt nhạt, tính lạnh, có tác dụng giải nhiệt, giải độc, thông tiểu, tiêu thũng, trừ ngứa và giảm táo bón.

Công dụng thanh mát của quả bầu còn có thể thấy qua cách lấy thịt quả bầu sống giã nát và đắp lên vùng da bị sưng tấy, nóng đỏ.

Ngoài ra, vỏ quả bầu cũng được dùng làm thuốc với các công dụng phổ biến như:

  • Hạ sốt, lợi tiểu, tiêu độc: dùng 30 – 40 g vỏ quả bầu già phơi khô, sắc lấy nước uống.
  • Tiểu rắt, sỏi thận: dùng vỏ bầu (30 g), hoàng thảo, nhân ý dĩ (mỗi vị 20 g) sắc lấy nước uống đều đặn mỗi ngày.

Công dụng của lá, rễ, tua cuốn và hoa bầu

  • Lá bầu có vị ngọt, tính bình, được dùng trong trường hợp bị rắn cắn bằng cách uống nước ép từ lá bầu tươi.
  • Rễ bầu được dùng điều trị vàng da và da bị phù. Liều lượng: sắc uống từ 16 – 20 g.
  • Tua cuốn và hoa bầu có tác dụng giải nhiệt độc, được dùng để nấu nước tắm cho trẻ, giúp phòng ngừa đậu, sởi, lở ngứa.

Lưu ý

  • Tuyệt đối không ăn quả bầu có vị đắng.
  • Quả bầu tính lạnh nên ăn nhiều có thể gây nôn tháo.
  • Những người đầy hơi, bị sưng ống chân không nên ăn bầu vì sẽ làm bệnh lâu khỏi. Bên cạnh đó, những người tỳ vị hư hàn, hay bị lạnh bụng cũng không nên ăn.